Lịch sử hình thành

Vào năm 1971, Linh mục José Ellacuria (Dòng Tên – SJ.) đã nhìn thấy những chuyển biến của xã hội Đài Loan từ một xã hội nông nghiệp dần biến thành một xã hội công nghiệp. Rất nhiều nông dân đã lên thành thị, và làm việc tại các khu công nghiệp. Đa số họ không được học hành và cũng không nhận được sự trợ giúp nào. Thế nên, họ phải vào làm trong những môi trường làm việc không an toàn, hoặc gặp rắc rối về giấy tờ hợp đồng, và những điều tương tự như thế. Do đó, Cha Ellacuria đã lập nên một văn phòng hỗ trợ người công nhân. Văn phòng này lo nghiên cứu những vấn đề của người công nhân Đài Loan, huấn luyện những người lãnh đạo hội liên hiệp công nhân (công đoàn), và thúc giục chính phủ ban hành những chính sách cho người công nhân.

Năm 1983, cái tên “Trung tâm Lao động Rerum Novarum” ra đời. Năm 1996 đổi tên thành “Trung tâm Rerum Novarum”. Tên “Rerum Novarum” được lấy từ thông điệp Rerum Novarum của Đức Giáo Hoàng Lê-ô XIII ban hành năm 1891 bàn về vấn đề “Học thuyết xã hội của Giáo Hội Công Giáo”. Rerum Novarum có nghĩa là “Những Điều Mới Mẻ” (Tân sự - 新事). Trung tâm lo về các vấn đề: tư vấn về pháp luật cho công nhân, sự an toàn và sức khỏe của người công nhân, xuất bản sách về công nhân, huấn luyện những người lãnh đạo công đoàn về kiến thức pháp luật và kỹ năng lãnh đạo. Trong những năm 1980 – 1990, giám đốc Trung tâm cùng đội ngũ nhân viên và các bạn tình nguyện viên đã tham gia xuống đường biểu tình cho quyền lợi của người công nhân, cho môi trường và phản đối dùng năng lượng hạt nhân.

Năm 1996, Cha Ellacuria trở về quê hương Tây Ban Nha nghỉ hưu. Từ đó, Sơ Stephana WeiWei (韋薇 – tên tiếng Việt: Sơ Vi Vi) tiếp nhận chức giám đốc Trung tâm. Sơ tiếp tục trợ giúp cho công đoàn độc lập, mở các khóa học cuối tuần, và lo phong trào chống dùng năng lượng hạt nhân. Những lãnh vực Sơ đặc biệt lưu tâm là đối tượng công nhân người Đài nói chung, những công nhân gặp tai nạn nghề nghiệp. Rồi cùng với sự phát triển và nhu cầu ngày càng thêm đa dạng của xã hội, lãnh vực phục vụ cũng được nới rộng ra với những công nhân thuộc dân tộc thiểu số của Đài Loan, những công nhân nước ngoài, và các cộng đồng người dân tộc thiểu số. Công việc phục vụ lại tiếp tục vươn ra với những công nhân chịu thiệt thòi. Trung bình mỗi năm Trung tâm giúp trên 2.000 công nhân và gia đình của họ. Do thế, đội ngũ nhân viên của Trung tâm cũng tăng từ 5 lên 16 người.  

Tổ chức Mẹ của trung tâm vào tháng 3 năm 2017 đã mời  nhân viên xã hội chuyên ngành Chung Chia Ling đảm nhiệm chức vụ chủ nhiệm của trung tâm. 
 
Trung tâm vốn thuộc về Dòng TÊN (Society of Jesus – SJ; tiếng Việt: Dòng Chúa Giê-su, hay quen gọi là Dòng Tên). Hội Dòng thuộc Hội thánh Công Giáo này luôn đặt người nghèo và người bị gạt ra bên lề xã hội lên vị trí ưu tiên hàng đầu để phục vụ. Cho nên, Trung tâm Tân sự cũng trực tiếp giải quyết các trường hợp đặc biệt, và giúp đỡ mọi anh chị em bất kể dân tộc, tôn giáo hay đảng phái chính trị nhằm nâng họ qua cơn khó khăn. Trung tâm cũng kiến nghị chính phủ cải cách luật lệ nhằm giúp cho người công nhân và các nhóm lao động. Kinh phí của Trung tâm đến từ lòng quảng đại tự nguyện quyên góp của mọi người.